Những bài học bổ ích từ cách quản lý của Apple
Hiện tại, khi nhắc đến Apple, người ta luôn nghĩ ngay đến hình ảnh của một công ty tốt nhất trên thế giới. Bởi họ luôn biết cách tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho người dùng và đem lại những khoản doanh thu kỷ lục. Theo những báo cáo mới nhất thì Apple đang là công ty có tổng giá trị tài sản lớn nhất trên thế giới.
Vậy thì đâu là những gì tạo nên thành công của Apple và các công ty công nghệ khác liệu có thể học hỏi từ họ không? Tác giả Adam Lashinsky của Fortune đã viết một cuốn sách có tên: Bên trong Apple: Những bí mật mà các công ty Mỹ nên học hỏi. Trong cuốn sách này Adam đã cho rằng có một số thứ có thể áp dụng và hiệu quả với Apple nhưng lại chưa chắc đã tỏ ra hiệu quả với các công ty khác bởi ông tin rằng có khá nhiều thứ mà Apple chỉ có thể vào thời điểm đó.
Tuy nhiên thì đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan của tác giả cuốn sách vì dù là gì đi chăng nữa thì cũng không phải ngẫu nhiên mà Apple lại có được thành công như hôm nay, bí mật từ bên trong cách hoạt động của công ty này cũng có thể là thứ mà các ông lớn khác như Google hay Microsoft phải học hỏi. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu rằng Apple có những bí mật gì mà các công ty khác có thể noi theo.
1. Tập trung nhân sự giỏi nhất cho dự án quan trọng nhất
Điều này thì nghe có vẻ như là quá rõ ràng nhưng nó không hẳn là luôn luôn tốt và không phải công ty nào cũng có thể áp dung nó một cách đúng đắn. Bởi nó sẽ làm thay đổi cả cấu trúc nhân sự dẫn đến sự thay đổi hoạt động của cả một công ty.
Và Apple là một ví dụ không thể tốt hơn. Khi công ty này bắt đầu nghiên cứu iPhone, họ đã tập trung tất cả những người tài năng nhất của công ty lại để cùng làm việc với nhau. Khi đó thì nhân sự từ các bộ phận khác của công ty được tập trung cho iPhone trong đó có cả bộ phận phát triển hệ điều hành Mac. Đây có thể là lý do cho việc ở thời điểm, hệ điều hành Mac gần như chỉ dậm chân tại chỗ và không có bất kỳ một sự cập nhật đáng kể nào.
2. Giữ bí mật tuyệt đối
Tại Apple, bí mật không có nghĩa là bạn không tiết lộ những hoạt động của công ty với giới truyền thông. Họ định nghĩa bí mật ở một mức độ lớn hơn: Bí mật là khi mà bạn không nói cho ai khác kể cả đồng nghiệp về những gì mà mình đang làm.
Bí mật cũng có những cái hay của nó. Bí mật sẽ giảm thiểu được tối đa các thông tin về sản phẩm mới nhất đang được phát triển bị rò rỉ ra ngoài và đến tai những kẻ đối địch. Bên cạnh đó thì nó cũng giúp cho nhân viên của Apple tập trung hơn vào công việc của mình thay vì lo lắng cho kẻ khác.
3. Tập trung cho các "tiểu tiết”
Trong cuốn sách của mình, tác giả Adam Lashiky có nói rằng Apple đã dành riêng hẳn một phòng làm việc để nhân viên của họ thiết kế các sản phẩm và vỏ hộp của chúng. Apple muốn rằng người dùng sẽ phải reo lên khi cầm trong tay sản phẩm iPhone của họ. Chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhặt cũng là một sự khác biệt lớn của công ty này với các đối thủ của họ. Thành công luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và Apple đã áp dụng rất thành công chân lý này.
4. Làm ra những gì mà mình muốn
Apple đã tạo nên chiếc máy tính Mac đầu tiên chỉ bởi vì: "Chúng tôi thực sự muốn một thiết bị như thế”. Đó là những gì mà Steve Jobs đã nói vào những năm 80 và điều đó cũng đã xảy ra với iPhone và iPad trong thời điểm đầu những năm 2000. Ban đầu vị CEO của Apple rất ghét smartphone bởi cách sử dụng rối rắm của chúng. Ông muốn một chiếc smartphone dễ sử dụng hơn và Apple đã tạo ra thứ mà họ tin rằng tốt hơn tất cả các sản phẩm đang có trên thị trường.
5. Tập trung tuyệt đối
Hãy nghĩ về Google, họ cũng có những sản phẩm rất tốt nhưng hầu hết là chúng không có nhiều điểm nhấn. Một trong những điểm mạnh và là nguyên tắc làm việc của Apple đó là những gì họ làm giống như một cái bàn. Công việc của họ là làm cái bàn đó to hơn chư không phải là làm ra nhiều cái bàn. Luôn tập trung tất cả cho công việc đó chính là Apple.
6. Quan tâm đến người dùng
Apple không chỉ biết cách làm việc một cách tập trung mà họ còn rất biết quan tâm tới người dùng. Các sản phẩm của công ty đều rất gần gũi với người dùng và Apple luôn biết phải làm gì để thỏa mãn người dùng. Một ví dụ đó là Tim Cook đã nhận thấy rằng những người đã mua và sử dụng Apple TV đều rất thích sản phẩm này. Từ đó ông đã đặt ra mục tiêu biến Apple TV là sản phẩm dẫn đầu của một thị trường mới với chỉ một lý do quan trọng nhất là người dùng thích nó.
7. Không phải lo đến các báo cáo tài chính
Chỉ cần một vài người quan tâm tới doanh thu và thế là đủ còn những người khác thì hãy cứ làm công việc của mình. Tại Apple, chỉ có giám đốc tài chính CFO, Peter Oppenheimer là chức vụ chính phải làm việc với những khoản lỗ và lãi, ngoài ra thì còn có giám đốc điều hành CEO Tim Cook cũng cần phải để ý tới vấn đề này.
Ở những công ty bình thường thì doanh thu là một vấn đề sống còn nhưng tại Apple, Steve Jobs khiến nó khác đi bằng cách giới hạn nó cho một vài người để những người khác có thể thoải mái đưa những gì tốt nhất vào sản phẩm của Apple mà không cần phải quan tâm nhiều tới chi phí.
8. Trực tiếp chịu trách nhiệm cá nhân
Đây là một cụm từ rất quan trọng với Apple. Nó có nghĩa là mỗi một sản phẩm hay một tính năng nào đó sẽ có một người phải chịu trách nhiệm cho sự thành công hoặc thất bại của sản phẩm hay tính năng đấy. Tại Apple không có sự chịu trách nhiệm của một tập thể và nếu bạn là một trưởng nhóm làm việc thì tốt nhất là cố gắng làm thật tốt công việc của mình.
9. tuyển dụng những người tốt nhất có thể
Cựu nhân viên của Apple đã trích lời nói của Steve Jobs: "Đội A sẽ thuê cầu thủ A, còn đội B có thể sẽ thuê cả cầu thủ C nhưng chúng ta sẽ chỉ thuê cầu thủ A mà thôi”. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một công ty và Apple luôn muốn nhân viên của mình là số một.
10. Giới hạn ban giám đốc
Apple không cho phép nhân viên của mình làm một việc gì đó mà không phải là việc của Apple. Tim Cook là người duy nhất được ngồi vào vị trí giám đốc của cả hai công ty là Apple và Nike. Khi Andy Miller, trưởng nhóm iAds đã hỏi Steve Jobs về việc liệu mình có thể ngồi vào ghế giám đốc của một công ty khác, Jobs đã nói rằng, "Cậu không thể bỏ một phần công việc ở đây để đi lo chuyện của một công ty khác được." Văn hóa của Apple là luôn luôn bắt mọi người làm tròn trách nhiệm của họ.
11. Giới hạn số lượng nhân viên
Apple luôn cố gắng giới hạn số nhân viên của họ cho một dự án ở dưới 100 nhân viên kể cả khi đó là một dự án lớn. Sau khi đã tạo ra Mac, Jobs vẫn luôn muốn giữ số lượng nhân viên ở trong khoảng đó bởi ông cho rằng điều này sẽ khiến nhóm làm việc tập trung và hiệu quả hơn.
12. Không thăng chức bừa bãi cho nhân viên
Tại hầu hết các công ty, khi một nhân viên hoàn thành tốt công việc của họ, họ sẽ dễ dàng được thăng chức. Nhưng với Apple thì không bởi công ty này sẽ cố gắng để nhân viên của mình làm việc ở vị trí mà họ làm tốt nhất.
Chẳng hạn như bạn là một nhà thiết kế giỏi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn sẽ một nhà quản lý giỏi. Ở một công ty bình thường, bạn sẽ có thể được thăng chức lên những vị trí cao hơn nhưng tại Apple thì điều đó hầu như không xảy ra, bạn chỉ có thể được trả nhiều lương hơn để vẫn làm công việc đó. Đây là một trong những triết lý hay của Apple mà các công ty khác nên áp dụng.
13. Kiểm soát tốt thông tin
Bộ phận PR của Apple rất nổi tiếng với giới truyền thông bởi họ rất kín tiếng và rất ít khi trả lời báo chí. Và nếu có thì họ luôn sử dụng những ngôn từ ngắn gọn nhưng dễ hiểu với báo chí và người dùng. "Táo khuyết" không muốn những thông tin của mình bị báo chí soi mói nhiều.
14. Đặt thiết kế lên hàng đầu
Hầu hết các công ty khác, khi phát triển một sản phẩm mới, họ thường bắt đầu với ý tưởng, kế hoạch marketing sau đó mới bàn đến thiết kế nhưng Apple thì lại làm điều ngược lại: Các nhà thiết kế sẽ phác thảo sản phẩm lên những tấm bìa khi đã thống nhất về thiết kế, Apple mới bắt đầu nghĩ đến các thứ khác. Họ cho rằng thiết kế tốt sẽ gây ấn tượng mạnh với người mua hàng hơn là những thứ khác.
15. Khách hàng là quan trọng nhất
Đây chính là điều quan trọng nhất của Apple, họ tạo ra sản phẩm và làm cho người dùng thích nó. Khi người dùng đã cảm thấy thích sản phẩm của họ tức là họ đã thành công và tất cả những thứ còn lại sẽ tự động đi theo đúng quỹ đạo của chúng.
Tham khảo: BusinessInsider
Luận bàn về vai trò của Lãnh đạo trong sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp
Perter Drucker, người được xem là “ cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại từng nói rằng nói rằng “ quản lý là làm những công việc thật tốt, lãnh đạo là xác định đúng công việc cần làm”. Theo đó, nhà lãnh đạo Doanh nghiệp xuất sắc không chỉ cần năng lực quản lý tốt, mà họ còn là người có khả năng phán đoán, dự báo và đánh giá chuẩn xác về những biến động của môi trường kinh doanh, qua đó, chủ động đề xuất những thay đổi thích hợp để dẫn dắt Doanh nghiệp sinh tồn và phát triển.
Những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới kéo theo nhiều thách thức mà Doanh nghiệp phải gồng mình đối phó, nhưng đồng thời, đây cũng được xem là cơ hội quý báu để các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp tự đánh giá và làm mới chính mình. Chính trong thời điểm khó khăn chung của kinh tế thế giới, người lãnh đạo được kỳ vọng trở thành người nhạc trưởng chỉ huy và có vai trò tiên quyết tạo nên thành công hay thất bại trong lộ trình phát triển bền vững của Doanh nghiệp.
1. Quan điểm về phát triển bền vững
Phát triển bền vững là một khái niệm xuất hiện vào thập niên 80, nhằm hướng tới sự phát triển vừa có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại, vừa không ảnh hưởng và tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nói các khác, phát triển bền vững phải đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững phái đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội ổn định và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, bên cạnh các tổ chức Doanh nghiệp, tất cả các thành phần kinh tế- xã hội đều phải chung tay góp sức nhằm dung hòa lợi ích giữa 3 lĩnh vực chính: kinh tế- xã hội- môi trường.
Phát triển bền vững hiện đang là mục tiêu hướng tới của nhiều loại hình Doanh nghiệp trên thế giới; theo đó, mỗi Doanh nghiệp sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, văn hóa riêng tại quốc gia của mình để hoạch định chiến lược phù hợp nhất nhằm hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững cho Doanh nghiệp đó.
2. Người Lãnh đạo và sự phát triển văn hóa Doanh nghiệp
Văn hóa Doanh nghiệp được hiểu là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tổn tại và phát triển của một Doanh nghiệp; trở thành các giá trị, các quan niệm và truyền thống ăn sâu vào hoạt động của Doanh nghiệp đó.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày một sâu sắc, việc xây dựng văn hóa Doanh nghiệp trở thành một nhiệm vụ thiết yếu và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động của Doanh nghiệp. Văn hóa của Doanh nghiệp được thể hiện qua phong cách Lãnh đạo của người Lãnh đạo và qua tác phong làm việc của nhân viên Doanh nghiệp.
Điểm khác biệt cơ bản giữa nhà Lãnh đạo và người quản lý là người quản lý chỉ cần thực hiện tốt việc triển khai kế hoạch, kiểm soát hoạt động; trong khi nhà Lãnh đạo phải là người đề ra chiến lược, tầm nhìn, gây dựng niềm tin và phát triển văn hóa cho Doanh nghiệp. Muốn vậy, trước hết, người Lãnh đạo phái xác định tầm nhìn chiến lược và giá trị cốt lõi cho Doanh nghiệp thông qua việc đưa ra đường lối, mục tiêu và triển vọng phát triển của Doanh nghiệp đó.
3. Người Lãnh đạo và sự phát triển nguồn lực con người tại Doanh nghiệp
Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa yếu tố con người với vai trò vừa là chủ thể , vừa là nguồn lực chủ yếu và đồng thời là mục tiêu của phát triển bền vững chính là chìa khóa thành công của các Doanh nghiệp trong thời đại kinh tế tri thức. Một trong những chiến lược quan trọng nhất đối với một người Lãnh đạo là nghệ thuật sử dụng con người.
Đại đa phần Doanh nghiệp Nhật Bản đều có một điểm chung về triết lý kinh doanh là tập trung đầu tư và Quản lý con người, nhấn mạnh vào 4 quy trình:
- Chia sẻ, đồng cảm triết lý với nhân viên( Tại sao chúng ta làm việc? Tại sao chúng ta sống?)
- Chia sẻ tình hình hiện hành của công ty với nhân viên, làm rõ mục tiêu, phân công vai trò.
- Khuyến khích những nhân viên có ý thức tự lập cao
- Đánh giá đúng và khen thưởng những nhân viên có ý thức cao.
Cùng chia sẻ quan điểm đó tại Việt Nam, việc quan tâm người lao động đã trở thành cội rễ của phát triển bền vững tại nhiều Doanh nghiệp và được Lãnh đạo Doanh nghiệp ngày một chú trọng.Lắng nghe để thấu hiểu và tin tưởng để trọng dụng chính là chiến lược mà nhiều Lãnh đạo Doanh nghiệp hiện nay lựa chọn để sử dụng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người tại đơn vị.
4. Người Lãnh đạo với Quản lý chất lượng.
Hoạt động quản lý chất lượng là thiết yếu cho công việc sản xuất kinh tế. Do vậy chất lượng đóng vai trò cốt lõi trong phát triển bền vững của Doanh nghiệp.
Quản lý chất lượng là một quá trình nghiêm ngặt, liên tục và đòi hỏi người Lãnh đao Doanh nghiệp một tầm nhìn chiến lược một quyết tâm cao độ và một tinh thần kinh doanh chân chính. Một nhiệm vụ quan trọng của nhà Lãnh đạo là phải lựa chọn một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp cho Doanh nghiệp, để từ đó, giúp Doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như quản cáo tiếp thị cho Doanh nghiệp.
Nhiều Doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay áp dụng cách thức Quản lý chất lượng dựa trên mô hình vòng tròn Deming. Theo mô hình này, mọi nhiệm vụ đều là một quá trình của 4 bước nối tiếp nhau liên tục: Hoạch định- Thực hiện- Kiểm tra- Hành động cải tiến.
Vòng tròn Deming là mô hình quản lý hữu hiệu giúp cho các Doanh nghiệp liên tục giảm giá thành và cải thiện chất lượng, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích khách hàng và lợi ích cho cộng đồng. Giữ vai trò trung tâm trong mô hình quản lý chất lượng Deming chính là người Lãnh đạo Doanh nghiệp.
5. Người Lãnh đạo và vấn đề xây dựng thương hiệu
Thương hiệu là một trong các nhân tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường, nâng cao văn minh thương mại và góp phần chống cạnh tranh không lành mạnh. Có thể kể tới một số lợi ích kinh tế do thương hiệu mang lại như :
- Tăng doanh số bán hàng;
- Thắt chặt sự trung thành của khách hàng;
- Tăng lợi nhuận và tăng thu nhập cho Doanh nghiệp
- Mở rộng và duy trì thị trường
- Tăng sản lượng và doanh số hàng hóa
- Tăng cường thu hút lao động và việc làm
- Tăng giá trị sản phẩm do người tiêu dùng phải trả tiền mua uy tín của sản phẩm
- Nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm tăng, điều này dẫn đến tăng trưởng cho kinh tế nói chung.
Lãnh đạo các Doanh nghiệp lớn đã nhận ra rằng thay vì tiếp tục cạnh tranh bằng cách chấp nhận mức lợi nhuận khiêm tốn, Doanh nghiệp có thể gia tăng thu nhập bằng các đầu tư vào thương hiệu. Tuy vậy, một trở ngại lớn trong xây dựng thương hiệu cho Doanh nghiệp lớn ở Việt Nam là sự đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, mở rộng tới nhiều ngành nghề trong lĩnh vực hoạt động của Doanh nghiệp một cách chồng chéo và thiếu đồng bộ. Do vậy, người Lãnh đạo cần xác định và lựa chọn cho Doanh nghiệp của mình đâu là loại hình kinh doanh chủ đạo và đâu là giá trị cốt lõi mà Doanh nghiệp đó hướng tới, làm cơ sở để xây dựng thành công một thương hiệu đậm đà bản sắc riêng cho Doanh nghiệp Việt Nam.
Trên thực tế, bốn vai trò của người Lãnh đạo Doanh nghiệp được phân tích ở trên không tồn tạo một cách độc lập, mà kết hợp thành một thể thống nhất và duy nhất, biện chứng với nhau, vai trò này là cơ sở để thực hiện vai trò kia và ngược lại. Nhờ đó, người Lãnh đạo Doanh nghiệp trong thời kỳ mới cần chú trọng tới phát triển toàn diện nguồn lực con người, làm giàu văn hóa Doanh nghiệp, kết hợp xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng và tiến tới xây dựng thương hiệu cho Doanh nghiệp, trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế xã hội và môi trường.
Kỷ Yếu Ngày nhân sự Việt Nam - Vietnam HRDay
Nguyễn Thế Hưng
Viện Ngân Hàng - Tài Chính( Trường đại học Kinh Tế Quốc Dân)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét